Nguyên nhân Loạn_bảy_nước

Tư thù

Hán Văn Đế lập Lưu Khải làm thái tử. Năm 174 TCN, Lưu Khải lên 14 tuổi, Ngô thế tử con Ngô vương Tỵ vào kinh đô triều kiến, uống rượu đánh cờ với thái tử Khải.

Hai bên đánh cờ hăng say đến mức tranh chấp, Ngô thế tử tính cách thô bạo, có lời lẽ và hành vi không cung kính. Thái tử Lưu Khải tức giận cầm bàn cờ đánh chết Ngô thế tử.

Thi hài Ngô thế tử được bỏ vào quan tài mang về nước Ngô. Ngô vương Lưu Tỵ vô cùng căm giận nói rằng:

Thiên hạ của chung họ Lưu, chết ở Trường An thì chôn ở Trường An, cần gì mang về đây mà chôn!

Rồi sai người đưa quan tài trở lại Trường An chôn cất. Từ đó Lưu Tỵ oán hận triều đình, lấy cớ có bệnh không về kinh triều kiến thiên tử nữa. Trong triều cũng đoán được Ngô vương vì chuyện con bị chết mà bỏ lễ phiên thần, nên thẩm vấn sứ giả nước Ngô. Ngô vương Tỵ trong lòng hoảng sợ, nảy sinh ý định làm phản[2].

Lưu Tỵ lo lắng sợ triều đình hỏi tội, lại sai sứ giả vào triều làm lễ với thiên tử. Hán Văn Đế lại hỏi sứ giả, sứ nước Ngô nói thật rằng Lưu Tỵ không có bệnh nặng, chỉ vì triều đình thẩm vấn sứ giả nước Ngô nhiều lần nên Ngô vương mới lo sợ. Văn Đế muốn làm dịu tình hình, bèn không trách tội Ngô vương không triều kiến, lại gửi sứ giả mang về cho Ngô vương chiếc ghế ngồi và gậy chống, vì Ngô vương đã cao tuổi nên vua chuẩn cho không cần vào triều.

Mất quyền lợi

Năm 157 TCN, Văn Đế mất, Lưu Khải lên nối ngôi, tức là Hán Cảnh Đế. Cảnh Đế tin dùng Tiều Thố, nhiều lần nghe theo kiến nghị của Tiều Thố, làm giảm thế lực của chư hầu.

Nước Ngô ở vị trí thuận lợi, có nhiều tài nguyên, đồng núi muối biển, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển mạnh. Ngô vương Lưu Tỵ vì có công tham gia dẹp Anh Bố nên được phong từ thời Hán Cao Đế, đến thời Cảnh Đế là 40 năm, lúc đó đã ngoài 60 tuổi.

Năm 154 TCN, Tiều Thố giữ chức Ngự sử đại phu tiếp tục kiến nghị việc giảm quyền lực các chư hầu, theo đó sẽ tước bớt quận Đông Hải của Sở vương Mậu, tước bớt quận Dự Chương và quận Cối Kê của Ngô vương Tỵ, tước bớt quận Thường Sơn của Triệu vương Toại và 6 huyện của Giao Tây vương Ngang.

Trong lúc triều đình đang bàn bạc, Ngô vương Tỵ nghe tin mình bị cắt đất, sợ sau này sẽ bị mất hết đất đai quyền hành nên quyết định khởi sự[3]. Nghe tiếng Giao Tây vương dũng mãnh thiện chiến, chư hầu thường nể sợ, Ngô vương Tỵ sai đại phu Ứng Cao đến kêu gọi Lưu Ngang cùng làm phản. Sau đó Lưu Tỵ đích thân đến gặp Lưu Ngang ước hẹn kế hoạch tây tiến.

Quần thần Giao Tây biết ý đồ của Lưu Ngang, khuyên không nên làm phản, vì thế lực chư hầu yếu hơn thiên tử; giả sử thành công lại dễ dẫn đến tranh chấp thiên hạ giữa Ngô và Giao Tây. Lưu Ngang không nghe, sai sứ sang kêu gọi các nước Tề, Tri Xuyên, Giao Đông, Tế Nam, Tế Bắc ước hẹn cùng làm phản. Ngô vương Tỵ cũng ước hẹn với nước Triệu, Sở cùng khởi binh.

Không lâu sau, lệnh tước đất các chư hầu từ Trường An ban ra. Bảy nước chư hầu do Lưu Tỵ đứng đầu nhất tề làm phản.